Hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, ở một số người hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh được gọi chung là bệnh lý tự miễn dịch.
Biểu hiện bệnh như thế nào?
Bệnh tự miễn là một nhóm bệnh khá phổ biến với khoảng 180 loại bệnh khác nhau, với tỉ lệ mắc bệnh chiếm tới 5-8% dân số. Xét theo diện tổn thương, bệnh tự miễn dịch được chia làm 2 nhóm chủ yếu là nhóm các bệnh tự miễn dịch hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống... và nhóm các bệnh tự miễn dịch đặc hiệu cơ quan như viêm tuyến giáp tự miễn, viêm gan tự miễn...
Do biểu hiện nhiều bệnh tự miễn dịch khá giống nhau nên việc chẩn đoán phân biệt các bệnh tự miễn dịch khá khó khăn. Các biểu hiện chính gặp hầu hết trong các bệnh tự miễn dịch là sốt nhẹ kéo dài, gầy sút cân, mệt mỏi, chán ăn, đau mình mẩy...
Các biểu hiện khác của mỗi bệnh tự miễn dịch lại phụ thuộc vào vị trí cơ quan bị tổn thương. Ví dụ, viêm đa khớp dạng thấp thì sưng đau và biến dạng các khớp; lupus ban đỏ hệ thống thì có ban cánh bướm, đau khớp...; xơ cứng bì thì với các biểu hiện trên da như dày cứng da, đau khớp...
Các triệu chứng của bệnh thường tiến triển thành từng đợt cấp, xen giữa các đợt cấp nặng là các giai đoạn lui bệnh, nhưng không có nghĩa là bệnh khỏi.
Các thuốc điều trị bệnh
Do chưa rõ về nguyên nhân gây bệnh nên hiện nay các bệnh tự miễn dịch đều chưa có thuốc hay biện pháp nào điều trị dứt điểm. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm chậm sự tiến triển của bệnh. Việc lựa chọn thuốc để điều trị bệnh này phải căn cứ vào loại bệnh và các biểu hiện lâm sàng.
Có hai nhóm thuốc chính được dùng điều trị nhóm bệnh này là thuốc chống viêm và thuốc ức chế miễn dịch.
Các thuốc chống viêm như diclofenac, indomethacin, aspirin, ibuprofen và nhóm glucocorticoid có tác dụng giảm hầu hết triệu chứng của các bệnh tự miễn dịch.
Diclofenac, dẫn chất của acid phenylacetic là thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh. Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, diclofenac gây hại đường tiêu hóa do giảm tổng hợp prostaglandin dẫn đến ức chế tạo mucin (chất có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa) giảm vai trò duy trì tưới máu thận.
Các thuốc chống viêm không steroid ức chế tổng hợp prostaglandin nên có thể gây viêm thận kẽ, viêm cầu thận, hoại tử nhú và hội chứng thận hư đặc biệt ở những người bị bệnh thận hoặc suy tim mạn tính. Với những người bệnh này, các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng suy thận cấp và suy tim cấp.
Indomethacin, dẫn xuất từ acid indolacetic. Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, indomethacin có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu. Indomethacin thường gây nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là thời gian chảy máu kéo dài (nguy cơ chảy máu ổ loét ống tiêu hóa) và nguy cơ gây rối loạn chức năng thận (gây ứ nước).
Aspirin là thuốc giảm đau, hạ sốt, được chỉ định trong nhiều bệnh lý, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa (xuất huyết dạ dày), hệ thần kinh (gây mệt mỏi) và cầm máu (gây chảy máu kéo dài).
Ibuprofen là thuốc dẫn xuất từ acid propionic. Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, ibuprofen có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp đau và viêm từ nhẹ đến vừa trong một số bệnh như thống kinh, nhức đầu, thủ thuật về răng, cắt mép âm hộ.
Dùng ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện để điều trị đau sau đại phẫu thuật hay cho người bệnh bị đau do ung thư; Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Thuốc có một số tác dụng phụ thường gặp như mệt mỏi, trướng bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, nhức đầu, mẩn ngứa...
Glucocorticoid có tác dụng rõ rệt chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Được chỉ định trong các trường hợp bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ toàn thân... Dù thuốc đã được chứng minh có tác dụng trên nhiều loại bệnh, nhưng các tác dụng phụ do thuốc gây ra cũng không ít nguy hiểm.
Các tác dụng phụ thường gặp là: kích thích hệ thần kinh gây mất ngủ, dễ bị kích động; tăng cảm giác ngon miệng, khó tiêu; rậm lông; yếu cơ, loãng xương; có thể gây bệnh đái tháo đường; tăng thêm tình trạng đau khớp; đục thủy tinh thể, bệnh glocôm, phù, tăng huyết áp; loét dạ dày...
Các thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, cyclosporine A, mycophenolate mofetil, etanercept… có hiệu quả tốt với một số bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp, viêm gan tự miễn... Nhưng do các thuốc này đều có độc tính và giá thành tương đối cao nên chỉ được sử dụng trong các trường hợp không đáp ứng với các thuốc chống viêm.
Trong các trường hợp có tổn thương dẫn đến rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan nội tạng, việc điều trị hỗ trợ để giảm triệu chứng là hết sức cần thiết. Trong đó, việc bổ sung insulin trong điều trị bệnh đái tháo đường, bổ sung hormon tuyến giáp trong viêm tuyến giáp tự miễn...
Gần đây, một số nghiên cứu nhằm điều trị triệt để các bệnh tự miễn dịch đang được nghiên cứu và có một số kết quả khả quan. Phương pháp điều trị bằng ghép tủy xương hoặc ghép tế bào gốc nhằm tái tạo lại hệ thống tự miễn dịch đã được áp dụng thành công với một số bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng bì, bệnh xơ cứng rải rác, viêm đa khớp dạng thấp…
Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh tự miễn, nhưng bệnh lý này có thể được khống chế bằng cuộc sống tích cực như có một chế độ ăn cân đối hợp lý, đa dạng, tránh ăn nhiều dầu mỡ và bổ sung quá nhiều vitamin tổng hợp (vì các chất này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ miễn dịch) mà nên bổ sung vitamin bằng các loại rau quả.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị.
ThS. Nguyễn Thu Hiền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét