Với những người phải dùng thuốc trị bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính, thì một trong những điều lo ngại nhất là tác dụng phụ của thuốc làm giảm khả năng tình dục. Ở phụ nữ, tình dục dễ bị chi phối bởi các yếu tố nhạy cảm như: tâm lý, hoàn cảnh... đồng thời các tác dụng bất lợi của thuốc gây giảm ham muốn tình dục cũng rõ nét hơn.
Tác dụng phụ gây ảnh hưởng khả năng tình dục nữ
Tác dụng phụ của thuốc gây hại cho tình dục rất đa dạng, ở cả nam và nữ, có thể ngắn hạn hay kéo dài, nhẹ hay nặng... Tác dụng bất lợi của thuốc tác động trực tiếp đến thực hành tình dục và ảnh hưởng cả về cảm xúc, tâm lý, dẫn đến giảm khả năng tình dục, mất hứng thú tình dục, không thỏa mãn và thậm chí ngại quan hệ tình dục.
Hơn nữa, đặc trưng tình dục ở nữ giới chỉ được thực hiện khi có sự phối hợp các hoạt động tâm sinh lý của cơ thể. Do đó, những tác động tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tình dục của nữ.
Những tác hại của thuốc đối với tình dục ở nữ bao gồm các rối loạn như: tác động tới cảm xúc và cảm nhận khoái cực; thay đổi về sự tiết dịch nhờn âm đạo; giảm ham muốn tình dục; rối loạn hưng phấn; rối loạn cực khoái; giao hợp đau...
Một số thuốc tác động khả năng sản sinh nội tiết tố - điều này cũng chi phối nhiều khả năng tình dục. Có loại thuốc gây tăng cảm giác cương đau vú; gây ban đỏ ngoài da, vì thế sẽ đau khi đụng chạm và ảnh hưởng đến cảm thụ tình dục của chị em.
Những thuốc ảnh hưởng xấu tới tình dục ở nữ
Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị trầm cảm, nhưng đồng thời đây lại là loại thuốc gây nhiều tác hại cho khả năng tình dục. Bệnh nhân trầm cảm cần uống thuốc liên tục trong thời gian dài (tối thiểu một năm), nhiều người phải uống thuốc suốt đời.
Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng, ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin... đều ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục của bệnh nhân ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân nam thường than phiền khó cương dương vật, giảm ham muốn (dù tình trạng trầm cảm đã hết), khó xuất tinh. Bệnh nhân nữ thường thấy mất hết ham muốn, giảm tiết dịch âm đạo, gây đau rát khi quan hệ tình dục.
Các thuốc ảnh hưởng đến chức năng tình dục nhiều nhất là amitriptylin và fluoxetin. Các thuốc ít ảnh hưởng hơn đến ham muốn tình dục là tianeptil, fluvoxamin và mirtazapin.
Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm đến đời sống tình dục, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kết hợp thuốc chống trầm cảm với các thuốc arcalion, piracetam hoặc ginko biloba...
Trong một vài trường hợp điển hình, bệnh nhân phải đổi thuốc (nếu có thể). Giải pháp khác là loại bỏ các thuốc an thần, thuốc chỉnh khí sắc, vì chính các thuốc này ảnh hưởng xấu đến chức năng tình dục của bệnh nhân.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Các thuốc kiểm soát huyết áp có tác dụng không mong muốn là làm giảm lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục nên thường làm suy giảm hoạt động tình dục ở nữ giới (giảm ham muốn, rối loạn cảm xúc tình dục, ngại quan hệ tình dục...).
Có thể kể đến các loại thuốc như: thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril); thuốc đối kháng canxi (nifedipin, amlodipin); các thuốc chẹn bêta giao cảm (metoprolol, nadolol, propranolol); thuốc lợi tiểu thiazide (furosemid, hydrochlorothiazid). Các tác nhân hủy giao cảm trung tâm như α-methyldopa, clonidine và guanfacine gây suy giảm khả năng tình dục cho đa số người sử dụng.
Thuốc giảm mỡ máu: Các thuốc điều trị mỡ trong máu như: thuốc nhóm statin (simvastatin, atorvastatin...), thuốc nhóm fibrat (fenofibrat, clofibrat...) có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu nên cũng làm giảm sự sản sinh các nội tiết tố estrogen và testosterone trong cơ thể.
Điều này được lý giải là do cholesterol là nguyên liệu tổng hợp nên các nội tiết tố estrogen, testosterone. Khi sự sản sinh các nội tiết tố này bị giảm, phụ nữ sẽ giảm ham muốn tình dục, giao hợp đau, kém hưng phấn...
Thuốc tránh thai: Nhiều loại thuốc tránh thai cũng ảnh hưởng nhất định làm giảm ham muốn tình dục của chị em. Hormon trong thuốc tránh thai sẽ ức chế và ngăn cản quá trình rụng trứng do làm giảm thấp mức testosteron, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới cảm xúc và ham muốn tình dục. Hơn nữa, thuốc tránh thai còn gây giảm dịch tiết âm đạo nên gây đau khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng cảm xúc tình dục.
Thuốc chống động kinh và thuốc chống loạn thần: Các thuốc này gây suy giảm ham muốn tình dục do ảnh hưởng đến hoạt động hormon của hệ trục dưới đồi - tuyến yên - sinh dục, đặc biệt là những thuốc tác động đến hệ enzym cytocrome P450 ở gan.
Ngoài ra, các thuốc chống loạn thần (risperidon, chloropromazine...) gây các tác dụng không mong muốn lên hoạt động tình dục do tác dụng chẹn anpha-giao cảm và ảnh hưởng đến lượng hormon (tăng prolactine máu). Ảnh hưởng rõ nét của các thuốc này cho tình dục nữ là tình trạng rối loạn cảm xúc, rối loạn cực khoái...
Thuốc an thần: Do thuốc an thần tác dụng vào thụ thể GABA trong não, làm chậm lại các hoạt động của những chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, serotonin... Do đó, thuốc gây trạng thái mệt mỏi về tâm lý, uể oải, đờ đẫn về tinh thần hay ngủ gà ngủ gật nên dẫn đến giảm ham muốn và ngại quan hệ tình dục.
Các loại thuốc khác: Một số loại thuốc, khi người bệnh phải dùng lâu dài cũng sẽ gây hại cho tình dục như: thuốc kháng histamin (chlorpheniramin, dexchlorpheniramin...); thuốc điều trị viêm loét dạ dày (cimetidin, omeprazol); các loại thuốc giảm đau có codeine và morphine có thể ảnh hưởng và kiểm soát lượng hormon của cơ thể, ảnh hưởng ham muốn tình dục.
Lưu ý: Khi dùng thuốc mà gặp các tác dụng bất lợi cho tình dục, chị em cần thông báo cho bác sĩ điều trị để có hướng khắc phục, không để thuốc ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét