Ngoài dãy quang phổ bảy màu thấy được, trong ánh nắng còn có những tia
cực tím với ba loại là UVA, B và C.
Bên cạnh lợi ích là giúp da sinh
tổng hợp vitamin D từ cholesterol dưới da cho cơ thể, những tia cực tím,
đặc biệt những ngày nắng gắt có cường độ cao, có thể gây ra nhiều tác
hại cho làn da con người: cấp thời là bỏng, dị ứng nắng và lâu dài là
lão hóa, ung thư da…
Các loại tia cực tím
Tia cực tím (tử ngoại, ultraviolet, UV) là tia có bước sóng thấp nhất
trong bảy sắc cầu vồng: đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím. Tia UV có 3
loại là A, B và C. Tia UV-A có bước sóng 315 - 380 nm, có thể xuyên qua
mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UV-B có bước sóng 280 - 315nm,
gây say nắng, tổn thương làm đen da. Tia UV-C có bước sóng 100 - 280 nm,
cũng có thể gây ung thư da nhưng may mắn là tầng ô-zôn chặn tia UV-C
lại được.
Con người thường tiếp xúc với UV-A (90%) và UV-B (10%). Các chùm tia tử
ngoại lúc nào cũng có, sáng, trưa, chiều, tối, nắng hay mây, mưa, cường
độ mạnh nhất là giữa trưa từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều.
Năm 1992, Canada là nước đầu tiên trên thế giới, đưa ra chỉ số cực tím
(UV index) lên dự báo hằng ngày trên phương tiện truyền thông. Theo đó
UV index có 11 mức đánh giá từ 0-10. Chỉ số UV càng cao tức tia tử ngoại
chiếu xuống mặt đất càng nhiều và thời gian làm cháy da càng ngắn.
Hiện nay, đa số quốc gia dùng hệ thống đánh giá của Mỹ, theo đó UV index
được chia theo điểm từ 1 đến 11+.
Những tổn thương và bệnh lý do tia cực tím
Thường xuyên tiếp xúc ánh nắng, đặc biệt giữa trưa hè khi ánh nắng có
chỉ số cực tím cao, sẽ có nhiều nguy cơ sức khỏe như lão hóa da, ung thư
da, ức chế hệ miễn dịch, đục thủy tinh thể cho mắt….
Theo Wikipedia, khi tia tử ngoại UV ngoài trời ở mức 6 thì da con người
sẽ bị cháy nắng (sunburn) trong vòng 30 phút, nhưng nếu tăng lên mức 12
thì da bị cháy nắng sẽ nhanh hơn, chỉ còn trong 15 phút.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng khuyên mọi người hãy mang khăn choàng,
đội mũ rộng vành, mặc thêm quần áo che chắn và mang kính râm để bảo vệ
cơ thể mỗi khi phải ra nắng có chỉ số cường độ tử ngoại (UV index) ngay
từ mức 3 trở lên.
Trong y văn, thống kê cho thấy tia cực tím trong ánh nắng có thể gây ra
những tổn thương bệnh lý da cấp tính (ngay sau khi tiếp xúc ánh nắng) và
mạn tính (về lâu về dài) sau đây:
Bỏng nắng (viêm da ánh sáng, sunburn)
Sau khi tiếp xúc nắng to, đột xuất, như tắm biển, đi nắng buổi trưa, da
sẽ bị bỏng nắng. Lúc bỏng, da sẽ đỏ hồng, phồng rộp, cảm giác đau rát
khó chịu, vài ngày sau da sạm nâu đen, bong vảy và tróc dần như vỏ rắn…
Dị ứng với ánh nắng mặt trời
Phát ban ánh sáng đa dạng (polymorphous light eruption, PLE) là hình
thức phổ biến (90%) bệnh da bị dị ứng với ánh nắng mặt trời. Dị ứng da
với ánh nắng mặt trời tạo ra do sự oxy hóa và tác động của các gốc tự
do sản sinh ra do tia tử ngoại B kích thích.
Làm khởi phát và nặng hơn những bệnh liên quan
Tia tử ngoại trong ánh nắng có thể là “mầm kích” cho sự bùng phát các
bệnh da như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa
dạng ánh sáng...
Lão hóa da do tia cực tím (photoaging)
Tia tử ngoại có thể làm da rối loạn dinh dưỡng, sắc tố… Nếu phải tiếp
xúc thường xuyên với ánh nắng, làm việc ngoài trời, da sẽ bị nhiều vết
tàn nhang, đồi mồi. Làn da sẽ rất thô ráp, các nếp nhăn xuất hiện do tổn
thương mất và biến dạng collagen, tăng sừng hóa …
Ung thư da
Cả ba loại tia cực tím A, B và C đều có thể làm tổn thương da, tăng quá
trình lão hóa, tổn thương ADN, tạo ra nhiều gốc tự do, gây tăng sinh tế
bào viêm ở trung bì và lâu dài gây ung thư da.
Bệnh thường có những dấu hiệu: hoặc là một đốm da nhỏ, nốt ruồi hay đốm
tàn nhang tự nhiên đổi màu, hình dạng, kích thước và màu sắc khác hẳn
với những đốm khác trên cùng vùng da, hoặc một vết loét tổn thương kéo
dài.
Bảo vệ da, tránh tổn thương do ánh nắng
1. Mùa hè, tia cực tím sẽ có cường độ mạnh nhất khoảng giữa trưa vì vậy
hạn chế ra ngoài, ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt.
2. Đội mũ rộng vành, mang kiếng râm, mặc áo dài tay, quần dài vải dệt
sít.
3. Dùng kem chống nắng có độ SPF 30+ hoặc hơn. Thoa kem trước khi ra
nắng khoảng 20 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
4. Kiểm tra da khi thấy có biến đổi như các đốm nhỏ, nốt ruồi, tàn
nhang...
Lưu ý:
* Hầu như tất cả tia cực tím (90%) đều xuyên qua đám mây, vải thưa để
đến tác động vào da.
* Mặt nước biển, mặt sân xi măng, bãi cát …đều có thể phản chiếu ánh
sáng và tia tử ngoại.
* Hiện nay, ở miền nam Việt Nam cường độ tia tử ngoại trung bình là 10
theo thang UV index Hoa Kỳ, do đó ra nắng ban trưa rất nguy hiểm.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét