Sốt cao co giật là một bệnh hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi (chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 – 18 tháng), cơn co giật xuất hiện khi có đợt sốt cao, chiếm tỷ lệ khoảng 5%. Đại đa số bệnh khỏi hoàn toàn, tuy nhiên ở một số trường hợp cần phải dùng thuốc để khống chế cơn co giật và tránh những tổn hại về não do sốt cao co giật gây nên.
Sốt co giật có phải là bệnh động kinh?
Sốt cao co giật là cơn giật xuất hiện khi có đợt sốt cao > 38oC (đo ở hậu môn), do nhiễm khuẩn hoặc virut nhưng không có tổn thương ở não cũng như không có rối loạn chuyển hóa. Sốt co giật không đồng nghĩa với động kinh, do đó chúng ta cần phân biệt giữa sốt co giật và bệnh động kinh.
Trong trường hợp sốt co giật, cơn giật chỉ xuất hiện khi có sốt cao, cơn thường ngắn, tạm thời và không có biến chứng, có thể có một cơn duy nhất hoặc vài cơn tùy từng trường hợp. Ngược lại, ở bệnh nhân động kinh, một số cơn đầu tiên xuất hiện khi sốt nhưng những cơn sau đó xuất hiện ngay cả khi không sốt.
Dùng thuốc gì để dự phòng cơn co giật khi sốt cao?
Khi trẻ bị sốt, cần kiểm soát chặt chẽ để thân nhiệt không vượt quá 37,5oC. Dù chưa có bằng chứng để nói
dùng thuốc hạ sốt để phòng được cơn co giật, nhưng điều quan trọng của thuốc hạ sốt là có thể làm giảm bớt những tổn thương do sốt cao gây ra.
Mặc dù co giật do sốt tái phát không nhiều nhưng khi tái phát cơn thứ hai thì nguy cơ các cơn tiếp theo có thể xảy ra, vì thế cần theo dõi và đề phòng cơn tái phát. Trẻ càng nhỏ càng dễ tái phát, tiền sử gia đình có sốt cao co giật, sốt xảy ra ngắn đã co giật hay sốt chưa cao đã co giật.
Ở những trẻ đã có bệnh động kinh đang điều trị, sốt cũng là một yếu tố làm cơn giật tái diễn, do đó ngoài việc tránh cho trẻ không bị sốt thì cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc kháng động kinh theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.
Có thể dùng cho trẻ thuốc hạ sốt paracetamol và aspirin xen kẽ nhau với liều phù hợp lứa tuổi, mặt khác cần điều trị nguyên nhân gây sốt.
Trên thực tế, việc kiểm soát chặt chẽ thân nhiệt không dễ dàng vì nhiệt độ có thể tăng lên rất nhanh. Do đó, trong một số trường hợp nếu trẻ xuất hiện hai hay nhiều cơn co giật khi sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc chống co giật trong thời gian từ 18 - 24 tháng. Thuốc hay được sử dụng là: valproate de sodium (depakine) hoặc phenobarbital (gardenal).
Những lưu ý khi dùng thuốc
Paracetamol: Được chỉ định dùng rộng rãi khi có các triệu chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Dù không độc với liều điều trị, nhưng paracetamol dùng liều cao, dài ngày lại rất nguy hiểm cho chức năng gan. Đặc biệt, nếu dùng thuốc kết hợp với một số thuốc chống co giật như phenytoin, barbiturat hoặc carbamazepin thì có thể làm tăng tính độc hại của thuốc lên gan.
Không được dùng paracetamol quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Để giảm nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ em dùng quá 5 liều/24 giờ và phải tuân thủ liều dùng chặt chẽ theo cân nặng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Aspirin: là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viên non steroid. Thuốc cũng có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng không mong muốn phổ biến trên hệ tiêu hóa, thần kinh và cơ chế đông máu.
Trên hệ tiêu hóa, thuốc gây buồn nôn, khó tiêu, khó chịu vùng thượng vị, ợ nóng và thậm chí là loét dạ dày - ruột. Còn trên hệ thần kinh trung ương, thuốc gây mệt mỏi, yếu cơ. Thuốc gây khó cầm máu, chảy máu ẩn, thời gian chảy máu kéo dài dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, thuốc còn gây độc trên cả gan và thận.
Tuy nhiên, các tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng. Do đó cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang dùng để tránh tương tác thuốc. Đối với trẻ em, khi dùng aspirin đã gây ra một số trường hợp hội chứng Reye, nên thuốc chỉ được sử dụng ở một số trường hợp đặc biệt.
Valproate de sodium (depakine): là một loại thuốc chống động kinh, có tác dụng chủ yếu trên hệ thống thần kinh trung ương. Tuy nhiên, thuốc cũng được chỉ định trong cơn co giật do sốt cao ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ có nguy cơ tái phát cao và đã có ít nhất một cơn co giật.
Các tác dụng không mong muốn khác như buồn ngủ, lú lẫn (hiếm gặp), rối loạn tiêu hóa gặp trong giai đoạn đầu của điều trị (hạn chế bằng tăng liều dần); tăng cân do ăn ngon miệng; giảm tiểu cầu (mức độ nhẹ); tăng nhẹ men gan; dị ứng da (hiếm); viêm gan hủy hoại tế bào gan rất nặng nhưng không liên quan đến liều lượng, thường xuất hiện trong 6 tháng đầu của điều trị, hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi dùng đa trị liệu (phối hợp nhiều loại thuốc).
Thuốc đặc biệt gây độc cho gan nên chống chỉ định với các trường hợp có viêm gan cấp hoặc mạn; tiền sử gia đình có mắc viêm gan mạn (nhất là viêm gan do thuốc). Trong đa số trường hợp, các tổn thương gan thường gặp trong vòng 6 tháng đầu điều trị. Do vậy, trong thời gian này, cần theo dõi chức năng gan định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu như mệt nhọc, chán ăn, ủ rũ, nôn mửa, đau bụng... Cần uống trước bữa ăn, uống vào giờ nhất định, tránh quên hoặc bỏ thuốc đột ngột.
Phenobarbital (gardenal): là thuốc chống co giật, an thần và gây ngủ thuộc nhóm barbiturate. Thuốc cũng được chỉ định để phòng co giật do sốt cao tái phát ở trẻ nhỏ. Tác dụng không mong muốn bao gồm ngủ gà, rối loạn chức năng nhận thức, kích động ở trẻ em, còi xương và nhuyễn xương (do thoái dáng vitamin D); nhiễm độc da.
BS. Hoàng Ngọ
Xem thêm các bài liên quan:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét