Ho là một triệu chứng mà người cao tuổi hay gặp, họ thường đến gặp thầy thuốc với dáng vẻ thiểu não do ho làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ, làm cho bệnh mạn tính nặng hơn và nhiều khi làm cho họ không kiểm soát được tiểu tiện. Do đó, giảm và chấm dứt cơn ho là yêu cầu cần thiết giúp người cao tuổi tránh được nỗi lo lắng, bất an.
Có nhiều nguyên nhân gây ra ho. Đối với mỗi nguyên nhân thì cách sử dụng thuốc cũng khác nhau nhưng có một nguyên tắc chung là dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây ho và không nên dùng thuốc làm ngắt cơn ho.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây
Ho do nhiễm khuẩn
Trước hết phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân gây ho.
Ở người cao tuổi, do sức đề kháng đã giảm, mức độ hấp thu thuốc kháng sinh, việc thải độc qua gan thận cũng giảm theo, nhất là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm amynoglycoside, sulfamide (co-trimoxazol)... Bên cạnh đó, chức năng thận suy giảm làm cho kháng sinh dễ gây độc cho gan nên cần phải giảm liều.
Từ những lưu ý như vậy nên khi được chẩn đoán ho do nhiễm khuẩn trong các bệnh viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản... thì người cao tuổi cần phải được sử dụng kháng sinh sớm. Nhóm kháng sinh được lựa chọn an toàn nhất là nhóm beta lactam.
Nếu cần phối hợp thuốc, phải cân nhắc tính đối kháng hay tính hiệp đồng của thuốc. Nắm vững cơ địa, tiền sử bệnh và các thuốc đang sử dụng của người bệnh. Ngoài ra, đối với người bị ho do viêm phế quản mạn tính thì cần cân nhắc sử dụng thuốc long đờm nhằm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí.
Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat. Nếu chất tiết nhiều và đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein.
Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp chứ không vì muốn hết ho ngay mà dùng liều quá cao, vì liều quá cao sẽ làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là làm cho việc tống chất tiết bị trở ngại. Sử dụng thuốc kháng viêm để tránh tình trạng thông khí bị trở ngại. Có thể dùng corticoid uống, xông hay hít nhưng phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể gây tác dụng phụ toàn thân.
Trong một số trường hợp cần thiết, người bệnh còn được sử dụng thuốc chống tắc nghẽn phế quản làm giãn phế quản nhằm giảm sự tắc nghẽn đường dẫn khí như theophylin, các thuốc chủ vận beta 2 (loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol và loại có tác dụng
dài như salmeterol, formoterol).
Ho do thuốc điều trị tăng huyết áp
Đối với người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, việc sử dụng thuốc, nhất là coversyl để hạ huyết áp có thể gây ho do kích ứng niêm mạc. Thực tế cho thấy, hiện tượng ho khan thành cơn khi sử dụng coversyl chiếm tới 1/3 số người sử dụng thuốc. Việc điều trị cắt cơn ho sẽ khó khăn nếu không phát hiện ra nguyên nhân này, có bệnh nhân đã phải chịu đựng cơn ho tới hàng năm.
Trong các trường hợp này, biện pháp xử trí tốt nhất là phải đổi thuốc điều trị huyết áp kết hợp với sử dụng thuốc ức chế cơn ho và chống dị ứng trong giai đoạn đầu. Thuốc ức chế cơn ho có codein có tác dụng giảm ho do tác dụng ức chế trung tâm hô hấp.
|
Cần lưu ý khi sử dụng thuốc ho cho người cao tuổi |
Sau khi uống, tác dụng giảm ho xuất hiện trong vòng 1 - 2 giờ và có thể kéo dài 4 - 6 giờ. Codein được chuyển hóa ở gan và thải trừ ở thận dưới dạng tự do hoặc kết hợp với acid glucuronic.
Ở liều điều trị codein ít gây co thắt mật và gây nghiện hơn so với morphin. Tuy nhiên không sử dụng thuốc này cho người có tiền sử hen phế quản, COPD - tâm phế mãn ở người cao tuổi. Ngoài ra, cần sử dụng thêm thuốc kháng histamin H1. Loại thuốc này được hấp thu nhanh sau khi uống và đều có chuyển hóa trong gan. Do thời gian bán thải ở người cao tuổi kéo dài hơn nên thường phải giảm liều và sử dụng trong thời gian ngắn.
Ho do trào ngược dạ dày - thực quản
Ho do trào ngược dạ dày - thực quản xảy ra khi cơ vòng thực quản bất thường, không khép kín hẳn sau khi thức ăn đã xuống dạ dày và làm dịch chứa acid chảy ngược từ dạ dày lên trên thực quản, đi đến họng, gây kích thích phản xạ thực quản - khí quản - phế quản và gây ho.
Để điều trị chứng ho này cho người bệnh, bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng histamin H2 như: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. Chúng ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày, nên ức chế bài tiết cả dịch acid cơ bản (khi đói) và dịch acid do kích thích (bởi thức ăn, histamin, cafein, insulin...).
Các thuốc nhóm này có tác dụng làm liền các vết loét dạ dày và tá tràng, làm giảm bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, từng bước giảm và ngắt cơn ho.
Ho do các khối u của đường thở hoặc chèn ép đường thở
Loại ho do bệnh lý này thường giảm khi dùng thuốc ức chế cơn ho nhưng không bao giờ hết triệu chứng, do đó phải kết hợp với loại bỏ khối u nếu có thể.
TS.BS. Phạm Bích Đào
Xem thêm thông tin bạn cần:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét