Hệ thống tiền đình có vai trò quan trọng trong việc giữ thăng bằng, duy trì tư thế, phối hợp các cử động của mắt, đầu, thân mình. Khi bị
rối loạn tiền đình (RLTĐ) sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Rối loạn tiền đình là gì?
Khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính: mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương (cảm giác sâu).
Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp tín hiệu cho não bộ các cảm giác về tư thế và các chuyển động của cơ thể được các bộ phận này ghi nhận. Sau đó não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không bắt được các tín hiệu này hoặc các tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng.
Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra một trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo... gây khó chịu. Bệnh rất hay tái phát, từ đó làm ảnh hưởng đến công việc, nhất là ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Say sóng khi đi tàu, chóng mặt khi ngồi xe là do cơ chế này. Ngồi trong máy bay, khi gặp gió bão, máy bay chòng chành, tuy ta không nhìn thấy được sự thay đổi bên ngoài, nhưng bộ phận tai trong tiếp nhận được sự dao động, ta cảm thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày…
Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình không phải là một bệnh mà là một hội chứng, báo hiệu nguy cơ của một bệnh lý nào đó với các biểu hiện như mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, chóng mặt.
Thường thì bệnh nhân mô tả chung chung, mơ hồ về mức độ nặng, nhẹ, thời gian mắc bệnh...
Một số than phiền thường gặp là mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, mọi vật chung quanh đang quay hay di động; đầu lâng lâng, muốn ngã, xỉu, yếu, mệt, kém tập trung; mắt mờ khi quay cổ hay cử động đầu, buồn nôn, ói mửa… Các triệu chứng bất thường trong thời gian ngắn hoặc lâu hơn.
Dựa vào vị trí tổn thương của hệ tiền đình, người ta chia làm hai loại: RLTĐ (hội chứng tiền đình) ngoại biên và trung ương.
Hội chứng tiền đình ngoại biên: Do tổn thương tai trong hay thần kinh số VIII, xuất phát từ các nguyên nhân như: viêm tai xương chũm mạn tính, do dùng các thuốc có độc tính gây tổn thương tiền đình như thuốc kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, rượu...
Thường gặp với biểu hiện như chóng mặt khi thay đổi tư thế. Đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt nhưng vẫn còn đi đứng được. Cơn chóng mặt thường thoáng qua chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bệnh thường xảy ra sau chấn thương vùng đầu.
Ngoài ra bệnh lý thoái hóa cột sống cổ gây cản trở mạch máu ở hệ đốt sống thân nền cũng là nguyên nhân gây nên RLTĐ ngoại biên. RLTĐ ngoại biên còn có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi.
Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực một hoặc cả hai bên tai. Người bệnh còn có thể kèm theo tình trạng nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng...
Hội chứng tiền đình trung ương: Do tổn thương các nhân tiền đình hay các đường liên hệ của nhân này trong thân não. Đây là bệnh lý thường gặp nhất với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não. Người bệnh đi đứng khó khăn. Khi thay đổi tư thế người bệnh bị choáng váng, chóng mặt, đôi khi khó tập trung, mau quên, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói.
Hội chứng tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não. Nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch, hạ huyết áp tư thế, thoái hoá cột sống cổ làm chèn ép mạch máu…
Khi có những triệu chứng như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý RLTĐ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, và càng sớm càng tốt.
Ai dễ mắc bệnh?
Rối loạn tiền đình rất dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, những người ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy vi tính. Vì ngồi nhiều trong phòng lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh dễ làm co cứng các cơ cạnh đốt sống cổ, gây chèn ép các mạch đốt sống, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi vùng não bộ gây ra bệnh rối loạn tiền đình.
Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát. Do đó, để phòng ngừa bệnh rối loạn tiền đình, tránh tái phát bệnh chúng ta cần tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, tránh ngồi lâu trước máy vi tính, không nên ngồi lâu khi làm việc văn phòng. Ngoài ra, người làm việc trong môi trường ồn ào, áp lực trong công việc, cuộc sống... nhất là những người phải làm việc một chỗ, không gian kín, ít di chuyển, ít vận động.
Các bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ nặng chèn ép động mạch đốt sống gây thiếu máu vận chuyển nuôi vùng não thuộc hệ sống nền như thân não, tiểu não, dẫn đến RLTĐ. Thay đổi thời tiết, rối loạn nội tiết tuổi tiền mãn kinh, người cao tuổi có bệnh lý tăng huyết áp, vữa xơ động mạch… cũng là những yếu tố nguy cơ mắc phải hội chứng này.
Điều trị bệnh rối loạn tiền đình thế nào?
Rối loạn tiền đình là một hội chứng, không phải là một bệnh lý nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cần phải tìm nguyên nhân gây ra hội chứng này để điều trị căn nguyên.
Trong mọi trường hợp, khi xảy ra chóng mặt cấp tính, triệu chứng hay gặp của hội chứng tiền đình cần phải điều trị triệu chứng vì cho dù các cơn chóng mặt có thể tự khỏi nhưng bệnh nhân rất khó chịu và sợ hãi vì các triệu chứng này.
Dùng thuốc:
Việc sử dụng thuốc phải được tư vấn của các bác sĩ lâm sàng. Một số thuốc sau đây đã được đánh giá tốt như: các thuốc thuộc nhóm kháng histamin như: promethazine, dimenhydrinate, scopolamine… Các thuốc này làm giảm ngay triệu chứng chóng mặt, chống nôn nhưng tác dụng phụ là buồn ngủ ngây ngất.
Có thể dùng thuốc làm giảm chóng mặt, buồn nôn như acetylleucin. Nhóm thuốc ức chế calci: cinnarizin, flunarizin; nhóm benzodiazepines (diazepam): làm giảm lo lắng, an thần. Ngoài ra, cần điều trị hỗ trợ, tăng tuần hoàn não: (gingkor giloba, piracetam…).
Dự phòng cơn chóng mặt kịch phát:
Tránh những tư thế gây chóng mặt, uống đủ nước mỗi ngày, tránh dùng những thức ăn - uống ngọt quá hay mặn quá sẽ làm tăng thể tích dịch của cơ thể và tai trong, vì khi có sự thay đổi về thể tích dịch trong thành phần của tai trong (tăng hay giảm) có thể gây khởi phát cơn chóng mặt. Tránh uống cafe hay thức uống có cồn vì sẽ làm ù tai nặng hơn, gây lợi tiểu mất nước.
Tránh những loại thực phẩm có chứa acid amin tyramine vì có thể gây khởi phát bệnh Migraine (thể nhức đầu kèm chóng mặt) như: rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, sữa chua, chocolate, chuối, cam, quýt, sung, phô mai, các loại hạt...
Tránh một số thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn tiền đình như: aspirin làm ù tai nhiều hơn, steroids gây giữ nước làm rối loạn điện giải; chất nicotin trong thuốc lá gây biến chứng vữa xơ hẹp mạch máu, làm tăng huyết áp, giảm máu đến vùng tai trong.
Không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính; tránh quay cổ hoặc đứng lên, ngồi xuống quá nhanh; tránh leo trèo cao, tránh đọc sách báo khi đang ngồi xe; tránh căng thẳng, lo âu, hoảng hốt... thái quá; nên ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt.
Hợp tác tốt với thầy thuốc để được điều trị tốt:
Mặc dù chóng mặt ít khi là triệu chứng của bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu thấy xuất hiện một trong những triệu chứng sau đây thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được khám và xác định nguyên nhân: chóng mặt kèm đau đầu đột ngột; mờ mắt, nhìn không rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác, mất định hướng thời gian, không gian, nói khó khăn, chóng mặt, lảo đảo, muốn té... đau tức ngực, nhịp tim bất thường.
Các triệu chứng đó có thể là báo hiệu cho những bệnh lý nặng như: u não, đột qu ỵ não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.
Điều trị RLTĐ ngày nay chủ yếu là điều trị nội khoa và hoàn toàn phải do bác sĩ chỉ định về chế độ thuốc men và thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối người bệnh không được tự ý điều trị hoặc điều trị không tuân thủ chế độ y lệnh của bác sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét