Khi uống thuốc, cơ quan tiêu hóa là nơi thường phải “chịu trận” tác dụng phụ và các phản ứng sinh hóa của thuốc. Các tác dụng không mong muốn do thuốc để lại độc tính cao trên đường tiêu hóa dễ xảy ra ngay cả khi dùng các thuốc thông thường.
Có nhiều mức độ ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa do thuốc (thậm chí nguy hiểm), nhưng bài viết này chỉ đề cập những phản ứng thường gặp nhất để mọi người dễ nhận biết.
Buồn nôn, đầy hơi trướng bụng do thuốc
|
Thuốc gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa |
Đôi khi việc dùng thuốc lại là một thủ phạm gây chứng đầy hơi, trướng bụng khó tiêu, với các biểu hiện như: ợ hơi nhiều lần, ợ chua, đau bụng âm ỉ, có lúc buồn nôn hoặc nôn, bụng trướng, ậm ạch, khó chịu... Cảm giác khó chịu xảy ra mỗi khi ợ hơi và nóng rát vùng họng. Nặng hơn nữa có thể gây ra đau toàn vùng bụng, đau thắt ngực, triệu chứng này nổi bật sau khi ăn.
Chứng đầy hơi, trướng bụng còn có thể do dùng một số thuốc làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý bình thường của hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột), đặc biệt là dùng thuốc trong bệnh suy tuyến giáp trạng, bệnh tăng huyết áp, thuốc chữa bệnh trầm cảm, chữa bệnh xương khớp...
Buồn nôn là tác dụng phụ thường thấy nhất của thuốc, được đăng tải trong tờ hướng dẫn sử dụng của rất nhiều loại thuốc: thuốc giảm đau chống viêm, kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc chữa viêm khớp (ibuprofen, naproxen, methotrexat...) và đó cũng là lý do khiến bệnh nhân muốn ngưng thuốc.
Câu hỏi khiến người bệnh trăn trở là tại sao khi uống thuốc lại có cảm giác buồn nôn và nôn? Nguyên nhân là do các phản ứng của thuốc gây ra. Trường hợp kháng sinh erythromycin là một ví dụ. Là một kháng sinh thông dụng, nhưng rất nhiều người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn khi uống erythromycin. Do erythromycin nói riêng và các kháng sinh nhóm macrolid nói chung gây kích thích dạ dày, làm cho dạ dày tăng co bóp và đẩy thức ăn trào ngược lên (gây buồn nôn). Ngoài ra, thuốc còn gây kích ứng dạ dày nên người bệnh còn có cảm giác cồn cào, khó chịu.
Tiêu chảy do thuốc
Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng kháng sinh. Thuốc chữa bệnh gút đặc hiệu là colchicin có độc tính cao trên đường tiêu hóa, có thể làm cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính.
Các kháng sinh đường uống gây tiêu chảy điển hình là metronidazol, nhóm cephalosporin, spiramycin, tetracyclin, nhóm macrolid...
Khi kháng sinh tấn công, vi khuẩn bị tiêu diệt dần và chết, xác vi khuẩn đi qua dạ dày sau đó xuống đường ruột và gây các rối loạn tại chỗ. Hơn nữa, kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (H. pylori trong dạ dày, salmonella, klebshiella trong ruột...) và tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi nhiều hơn, trong đó có vi khuẩn Clostridium dificile - một loại vi khuẩn gây tiêu chảy.
Chứng tiêu chảy do thuốc dễ gặp ở trẻ em và người cao tuổi, độ tuổi dễ mắc bệnh phải thường xuyên dùng thuốc chữa bệnh.
|
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp các bất lợi do thuốc |
Thuốc gây viêm loét, xuất huyết dạ dày
Các thuốc gây hại nghiêm trọng hệ tiêu hóa (viêm, loét, chảy máu, và thậm chí là thủng dạ dày, ruột) là thuốc chống viêm không steroid gồm: diclofenac, indomethacin, phenybutazol, ibuprofen, meloxicam, tenoxicam... Các thuốc này được sử dụng khá thông thường, có tác dụng đặc hiệu trong bệnh viêm xương khớp: chống viêm, giảm đau và hạ sốt, nhưng tỷ lệ gây viêm loét và chảy máu tiêu hóa khá cao.
Là một thuốc quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh loãng xương, nhưng nhóm bisphosphonat cũng gây ra nhiều tác dụng phụ đáng ngại cho tiêu hóa. Cấu trúc hóa học của bisphosphonat rất nhạy cảm với bề mặt dạ dày và thực quản. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã báo cáo sau một thời gian sử dụng thuốc bị viêm loét dạ dày thực quản, gây kích ứng, đau.
Thuốc kích thích tiêu hóa (thường gọi là men tiêu hóa) chiết xuất từ men của dạ dày, tụy, phần lớn là những men phân hủy chất đạm động vật như protease, pepsin, có giá trị cho người bệnh bị viêm dạ dày mạn tính, viêm tụy mạn tính không còn đủ khả năng chế tiết đủ pepsin và protease nữa. Nhưng nó lại là kẻ thù của những người có lớp niêm mạc nhạy cảm.
Khi dùng quá liều, nó có thể làm tăng nguy cơ viêm loét vì làm tiêu hủy lớp niêm mạc che phủ trong cùng của cơ quan tiêu hóa. Phần bị nặng nhất là dạ dày và lớp niêm mạc. Nếu đối tượng có nguy cơ bị viêm loét thì thuốc này sẽ gây ra viêm loét điển hình. Còn nếu thuốc này được dùng sai chỉ định, tức là dùng cho người đang có viêm loét dạ dày thì sẽ gây ra viêm loét nặng và có thể chảy máu hoặc thủng dạ dày.
Đổi màu ở phân
Do sự hiện diện của urobilin và stercobilin - dẫn xuất từ sắc tố mật, nên bình thường phân sẽ có màu nâu nhạt. Khi dùng thuốc, phân sẽ có một số biến đổi về màu như sau: màu đen, xuất hiện sau khi uống thuốc bổ chứa sắt hoặc dùng thuốc có hợp chất bismuth để trị tiêu chảy hoặc viêm loét dạ dày - tá tràng. Hiện tượng này sẽ mất đi khi ngừng dùng thuốc.
Phân có màu đỏ sau khi uống thuốc pyrvinium pamoat để trị giun sán. Khi người bệnh uống thuốc dithiazanin để trị giun sán phân sẽ có màu xanh lá cây hoặc xanh dương. Các dấu hiệu ở phân không gây hại cơ thể và sẽ mất đi khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc, trừ trường hợp có kèm tiêu chảy, thì người bệnh nên đi khám để được tư vấn thêm.
BS. ĐINH HUỲNH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét