Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cứ sau Tết cho đến tháng 3, tháng 4 là có hàng trăm người đến tiêm vắc-xin ngừa dại vì bị chó cắn.
Mới đây, tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra vụ chó cắn nhiều người khiến một phụ nữ đang mang thai tử vong. Điều đáng lo là tai nạn thương tâm này có phần do sự chủ quan của nạn nhân.
Nắng nóng: Mùa của bệnh dại
|
Chó mèo cắn - Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dại |
Nạn nhân nêu trên là chị N.T.H (31 tuổi). Trước đó, con chó nhà chị có biểu hiện bất thường, rượt cắn 7 người hàng xóm. Nhiều người đã đến trung tâm y tế huyện tiêm phòng vắc-xin nên thoát chết. Riêng chị H. cũng bị cắn nhưng không tiêm vì nghĩ đây là chó nhà. Vài ngày sau, chị có biểu hiện co giật, sùi bọt mép và tử vong.
Đây không phải là trường hợp hiếm hoi chết oan uổng do chủ quan với bệnh dại. Bệnh viện (BV)
Bệnh nhiệt đới TP HCM là nơi thường xuyên tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân chuyển tới trong tình trạng nguy kịch, gần đây nhất là em N.V.N (14 tuổi, ngụ Cà Mau).
N. bị chó cắn nhưng không đi chích ngừa mà tự điều trị bằng cách dùng đất sét đắp vào vết thương để “hút virus dại ra”. Vài tháng sau, em có biểu hiện chán ăn, nhức đầu, hoại tử ở vết thương. Khi được đưa đến BV thì N. lên cơn dại kịch phát, dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng không qua khỏi sau 10 ngày.
Trước đó, một ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị chó cắn khi tàu vừa cập bến. Người đàn ông này cũng đi chích ngừa nhưng chưa đủ liều thì ngưng giữa chừng do đã đến lúc tàu ra biển. Khi tàu ra tới ngư trường, khai thác cá chưa được bao lâu thì anh đã lên cơn dại, sợ gió, sợ nước… Dù anh được đưa nhanh vào đất liền nhưng không còn cứu kịp.
TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho hay dù khuyến cáo nhiều nhưng các trường hợp chủ quan để mắc dại dẫn đến chết oan uổng vẫn cứ xảy ra. Thậm chí, nhiều khi người bị cắn chết rồi nhưng con chó thủ phạm vẫn còn sống.
Năm nào cũng vậy, thời điểm sau Tết là có hàng trăm người đến chích ngừa vắc-xin dại. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận hàng chục trường hợp. Nạn nhân bị chó cắn có cả người lớn và trẻ em, ngụ tại TP HCM và các tỉnh lân cận.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật TP HCM, bệnh dại ở vật nuôi chủ yếu bùng phát vào mùa nắng nóng. Trung bình mỗi ngày, trạm tiếp nhận chích ngừa 35-40 con chó, chưa kể những con đã có biểu hiện bệnh được xử lý riêng. “Vào mùa hè, người dân phải hết sức cảnh giác với chó dại và không nên chủ quan” - bác sĩ Phượng khuyến cáo.
Vắc-xin phòng dại không gây bất thường thai nhi
Theo Viện Pasteur TP HCM, những năm gần đây, tại khu vực phía Nam đã có trên 20 trường hợp bị chó cắn tử vong do không đi tiêm ngừa. Các chuyên gia y tế cho biết chó cắn là một tai nạn phổ biến và rất nguy hiểm. Trong đó, nhiều thai phụ bị chó cắn nhưng vì sợ tiêm vắc-xin phòng dại ảnh hưởng đến bào thai nên thường chần chừ không muốn tiêm. Đây là điều rất nguy hiểm.
Các chuyên gia sản khoa cho biết hiện không có bằng chứng nào về sự bất thường của bào thai do tiêm vắc-xin phòng dại gây ra. Vì vậy, không có chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng dại cho phụ nữ có thai vì khi đã bị chó dại cắn thì đây là sự lựa chọn duy nhất để phòng bệnh dại bột phát, tránh nguy hiểm đến tính mạng cho bà mẹ và thai nhi.
Các bác sĩ cảnh báo cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa được bệnh dại. Một khi đã lên cơn dại kịch phát là 100% tử vong. Do đó, biện pháp hữu hiệu là thực hiện kiểm soát và dự phòng loại trừ bệnh dại ở động vật lẫn con người. Cụ thể là triển khai quản lý vật nuôi, tiêm vắc-xin phòng ngừa và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.
Hiện nay, vắc-xin phòng dại an toàn cho cả phụ nữ mang thai - tất nhiên phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
“Một khi đã mắc bệnh dại thật sự thì vô phương cứu chữa. Vì vậy, ngay sau khi bị chó cắn cần phải được tiêm ngừa bệnh dại và tuân thủ đúng theo phác đồ, chỉ dẫn của bác sĩ” - TS-BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Sản BV Từ Dũ (TP HCM), lưu ý.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét