Thông tư 01/2016 của Bộ NN&PTNT, sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 57/2012, cho phép tăng giới hạn xác định dương tính với chất cấm. Ngay lập tức đã có ý kiến phản ứng trái chiều với nội dung thông tư này… Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại về vấn đề này.
Chất đồng vận beta là chất gì?
Chất kích nạc, tạo nạc, thực chất là các thuốc nhóm đồng vân giao cảm beta (beta-agonists) có tác dụng làm giãn cơ trơn thành phế cuống phổi, cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose...như các catecholamines (adrenaline, dopamine..) trong cơ thể con người.
Hiện nay, khá nhiều chất beta-agonist được tổng hợp như salbutamol, clenbuterol, fenoterol, formoterol, isoproterenol, metaproterenol, terbutaline, pirbuterol, procaterol, befunolol, mabuterol, ractopamine, reproterol, rimiterol, tretoquinol, tulobuterol, zilpaterol, zinterol…trong đó salbutamol và terbutaline là thông dụng nhất để điều trị hen.
Trong y khoa, chất đồng vận beta được dùng rất nhiều để điều trị hen phế quản do tác dụng giãn cơ phế quản rất đặc hiệu. Vì là thuốc, nên khi dùng các chất đồng vận cần phải tuân theo liều lượng và liệu trình nghiêm ngặt, và có khuyến cáo phải hết sức thận trọng đối với người tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu cũ, phụ nữ mang thai…. Nếu quá liều hoặc ăn phải thịt gia súc có chứa nhóm beta-agonist này sẽ bị nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.
Năm 2006, Đại học Cornell và Đại học Stanford (Mỹ) nghiên cứu trên những người thường xuyên hít beta-agonist để chữa hen suyễn và bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (COPD) có nguy cơ tử vong gấp đôi so với nhóm dùng giả dược.
Chất tạo nạc đã bị cấm trong chăn nuôi
Khi cho các beta-agonists vào thức ăn, lợn sẽ nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là giảm phần mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc. Do đó, các nhà chăn nuôi đã lén lút, phi pháp thúc lợn nạc bằng thuốc đông vận beta này. Các nước trên thế giới đều đã cấm sử dụng nhóm beta- agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng như Tổ chức Lương nông Thế giới FAO cũng có thông tư cấm sử dụng tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, beta-agonist cũng được cho vào danh sách cấm dùng từ năm 2002.
Một thông tư khó hiểu!!!
Như vậy, rõ ràng các chất tạo nạc là chất cấm từ 2002. Năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó đặc biệt lưu ý ba chất cụ thể là ractopamine, clenbuterol và salbutamol.
Thông tư 01/2016 của Bộ NN&PTNT, sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 57/2012, quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 có chi tiết đáng chú ý là việc sửa đổi giới hạn xác định dương tính với chất cấm.
Trước đây giới hạn xác định dương tính với chất cấm trong nước tiểu của động vật bằng hoặc trên 2ppb (par per billion, phần tỷ) trên một mẫu, thì thông tư 01/2016 cho phép tăng giới hạn lên 5ppb với salbutamol, 3ppb với clenbuterol, 2ppb với ractopamine. Nước tiểu, thức ăn chăn nuôi... đều được tăng giới hạn xác định dương tính với chất cấm từ 5ppb lên 10ppb.
Theo nguyên tắc y tế, đã là chất độc hại, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi thì càng hạ mức an toàn tức nồng độ cho phép càng thấp, có nghĩa là thực phẩm càng “sạch” hơn và thịt càng tốt hơn cho người tiêu dùng.
Ngay một vị lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM bình luận về việc tăng này trên 1 phương tiện thông tin đại chúng: “Tăng giới hạn xác định dương tính với chất cấm như trên rất nguy hiểm trong bối cảnh đang báo động tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay”.
Giải pháp đúng không cần sử dụng chất cấm
Trên 1 trang web về chăn nuôi có hướng dẫn cách nuôi heo sạch với 4 yêu cầu đơn giản sau:
(1) Giống: nên chọn các giống lợn tốt để nhiều nạc, ít mỡ và thịt ngon,
(2) Thức ăn dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, đặc biệt là các axit amin, vitamin và chất khoáng. Có thể sử dụng chất tạo nạc không độc hại và được phép sử dụng như chromium (BIO-CHROMIC) vì chromium cũng có tác dụng làm tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ nạc một cách tự nhiên.
(3) Phòng bệnh tốt giúp lợn ít bệnh, mau lớn. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc thú y thì nên tuân thủ theo đúng quy định về liều lượng, thời gian ngưng thuốc có ghi trên bao bì trước khi xuất bán để tránh tồn dư kháng sinh trong thịt.
(4) Cơ quan thú y địa phương cần tổ chức các buổi tập huấn cho 3 đối tượng chủ chốt đó là: người chăn nuôi; những thương lái thu mua lợn và người giết mổ lợn để hiểu rõ về những pháp lệnh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y cũng như hiểu về tác hại với bản thân và xã hội của việc dùng chất cấm cũng như sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ.
Họ phải làm cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặt khác, cơ quan chức năng phải đột xuất kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện những người không tuân thủ theo cam kết.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét