Do lượng estrogen sụt giảm đột ngột trong thời kỳ mãn kinh khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều chứng bệnh: bốc hỏa, khô teo da, loãng xương, tăng các bệnh tim mạch, trầm cảm, khô âm đạo...
Liệu pháp hormon thay thế là bổ sung estrogen (hay phối hợp với progesteron) tạo nồng độ các chất nội tiết này tương đương với nồng độ sinh lý nhằm hạn chế các triệu chứng khó chịu giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khiến người sử dụng đối mặt với nhiều nguy cơ.
Lợi ích và nguy cơ của liệu pháp hormon thay thế
Liệu pháp hormon thay thế thực chất không thể cung cấp và đáp ứng đầy đủ lượng estrogen cho phụ nữ như khi chưa mãn kinh, do chỉ đưa một lượng nhỏ estrogen vào cơ thể, vì vậy còn gọi là bổ sung estrogen.
Lợi ích của liệu pháp bổ sung estrogen là để làm giảm các triệu chứng vận mạch, đẩy lùi lão hóa da, giảm các triệu chứng teo khô ở sinh dục, có lợi cho hệ thống xương, làm giảm hiện tượng xốp và tiêu xương, hạn chế và giảm tỷ lệ gãy xương, có lợi đến hệ tim mạch và tình trạng xơ vữa mạch máu...
Bổ sung estrogen còn có những lợi ích khác như làm tăng ham muốn tình dục, tăng tưới máu não, tăng trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer...
Để có được những tác dụng trên, việc dùng bổ sung estrtogen thế nào cho hợp lý là vấn đề mà nhiều phụ nữ quan tâm. Trước hết là phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám kỹ xem có cần thiết phải điều trị estrogen thay thế không?
Nếu có chỉ định điều trị thì phải được khám lâm sàng cẩn thận, xét nghiệm đầy đủ các thông số cần thiết, phải loại trừ những nhóm người có nguy cơ cao ung thư, loại trừ các chống chỉ định sử dụng estrogen.
Người dùng liệu pháp hormon thay thế cần được theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình dùng thuốc, làm các xét nghiệm định kỳ...
Tuy nhiên, điều trị hormon thay thế có những ưu điểm nhưng cũng tồn tại nhiều nguy cơ nếu sử dụng không đúng chỉ định, theo dõi không tốt và điều trị kéo dài (trên 5 năm) có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
Những tác hại khi điều trị estrogen là làm quá sản nội mạc tử cung, gây nguy cơ ung thư nội tử cung; các bệnh ở vú (đau, cương vú, ung thư), làm tăng huyết áp, tăng các bệnh huyết khối. Không dùng đại trà liệu pháp hormon thay thế cho mọi phụ nữ mãn kinh mà chỉ dùng cho những người có các triệu chứng khó chịu nặng, không tự vượt qua được.
Thông thường chỉ bổ sung estrogen trong thời gian ngắn (nhiều nhất là 3 năm) cho người mới mãn kinh, không dùng cho người mãn kinh đã lâu.
Không phải chị em mãn kinh nào cũng dùng được liệu pháp hormon thay thế.
Những trường hợp dưới đây tuyệt đối không được bổ sung estrogen: những người trong gia đình có bà, mẹ, chị em bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Những người ra huyết âm đạo nhưng chưa rõ nguyên nhân, có khối u ở tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, các bệnh về gan mật, đang mang thai, có các khối u lành và ác tính ở vú, lạc nội mạc tử cung, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ...
Bổ sung estrogen thế nào cho đúng?
Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc (đặc biệt là liều lượng dùng). Trên thị trường hiện có rất nhiều dạng thuốc chứa estrogen để chị em lựa chọn phương pháp dùng cho phù hợp.
Thông thường nhất là các loại viên thuốc tránh thai kết hợp hoặc viên nén chỉ có riêng estrogen; Loại gel hoặc dạng kem để bôi qua da hoặc âm đạo; Loại nhũ tương như viên nang để đặt âm đạo hoặc miếng dán qua da...
Loại thuốc dạng uống thì dễ độc hơn, nhưng do thuốc tác dụng đến toàn thân nên đạt kết quả nhanh. Tốt nhất là dùng thuốc bôi tại chỗ, bao gồm kem bôi, thuốc đặt âm đạo hoặc miếng dán qua da. Thuốc dán hoặc bôi qua da được các mạch máu dưới da hấp thu từ từ rồi đi tới đích. Thuốc đặt âm đạo sẽ ngấm qua niêm mạc, làm niêm mạc âm đạo phát triển tốt.
Cần coi chừng tác dụng phụ tại chỗ của dạng thuốc bôi, miếng dán qua da. Nếu như chẳng may (hiếm khi xảy ra) gặp triệu chứng khó chịu vì da bị kích thích do các chất phụ gia của thuốc thì cần rửa ngay dưới nước sạch là sẽ hết.
Nên lưu ý, không dùng phối hợp nhiều dạng thuốc có chứa estrogen cùng lúc dễ dẫn đến quá liều và gặp nhiều tác dụng phụ.
Dấu hiệu nhận biết là đã dùng quá liều estrogen, đó là khi thấy xuất hiện những triệu chứng như đau, cương tức vú, buồn nôn, căng tức bụng, tăng cân. Lúc này nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn giảm liều dùng.
Mỗi người có một liều đáp ứng với estrogen, vì vậy tốt nhất hãy đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và khám cẩn thận, từ đó hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chu đáo.
Các trường hợp bổ sung estrogen cần tuân thủ nghiêm túc đơn điều trị của bác sĩ, ngoài ra cần thường xuyên theo dõi, nếu có bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp điều trị khác. Chị em không dùng chung đơn thuốc với người khác để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
BS. HƯƠNG LAN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét