Bên cạnh huyết trắng sinh lý, còn có rất nhiều nguyên nhân gây ra huyết trắng có tính chất bệnh lý, đa số đều do viêm nhiễm. Nếu thấy huyết trắng với thay đổi như có mùi hôi với màu sắc, số lượng bất thường cần được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Huyết trắng sinh lý
Trong điều kiện sinh lý bình thường, huyết tương thấm qua các mao mạch nhỏ li ti, qua tổ chức hạch ở thành âm đạo cùng với các chất nhầy do các tuyến ở môi lớn - môi bé, tiền đình, ở tử cung, niệu đạo, bàng quang… tiết ra, trộn lẫn với tế bào biểu mô ở tử cung và âm đạo bong ra, với một ít bạch huyết, tế bào tự do, tạo thành một chất nhầy màu trắng sữa giống như lòng trắng trứng gà, có mùi hơi tanh.
Với những yếu tố trên, huyết trắng loại này được gọi là huyết trắng sinh lý. Tính chất và số lượng huyết trắng tiết ra tùy thuộc vào hàm lượng estrogene trong cơ thể người phụ nữ. Khi còn nhỏ, bộ máy sinh dục chưa phát triển đầy đủ, nhìn chung trong âm đạo không có nội tiết nên không có huyết trắng.
Vào tuổi dậy thì, buồng trứng dần dần phát triển và tiết ra chất kích thích khiến bộ máy sinh dục sản sinh các chất nội tiết, vì thế mới có huyết trắng. Đến tuổi trưởng thành, buồng trứng phát triển hoàn thiện, hàng tháng đều tiết tiết ra estrogen và progesteron, vì thế làm cho huyết trắng thay đổi theo mỗi chu kỳ, tùy theo hàm lượng của estrogen và progesteron mà huyết trắng nhiều hay ít.
Trong chu kỳ kinh nguyệt, khi lượng estrogen tăng lên, các tổ chức của thân tuyến ở cổ tử cung (CTC) được tiết ra nhiều, hàm lượng nước trong nó cũng tăng lên, cho nên thấy xuất hiện loại chất nhầy như lòng trắng trứng gà, có thể kéo thành sợi, đặc biệt là trước rụng trứng khoảng 12 - 24 giờ, chất nội tiết loại này càng nhiều, vì thế làm cho chị em phụ nữ luôn cảm thấy cửa mình ẩm ướt.
Sau rụng trứng lượng nội tiết tố progesteron tăng lên, ức chế việc tăng tiết chất nhầy ở CTC, lúc này huyết trắng có màu trắng sữa, sánh đặt và dính hơn. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, khi lao động nặng, đặc biệt trong kích thích sinh hoạt tình dục, huyết trắng cũng tăng tiết nhiều, có lúc chảy thành dòng ra ngoài. Cho nên trong điều kiện sinh lý bình thường huyết trắng ra có lúc nhiều, có lúc ít, tính chất có khi thay đổi đôi chút, nhưng nhìn chung đó cũng là trạng thái bình thường.
Huyết trắng bệnh lý
Cơ quan sinh dục nữ hết sức nhạy cảm cho nhiều mầm bệnh khác nhau phát triển, từ viêm nhiễm thông thường trong đời sống vợ chồng, đến các bệnh viêm nhiễm do tạp trùng, do nấm, do ký sinh trùng… Tùy theo nguyên nhân và tính chất của bệnh tạo ra một chất dịch thoát ra từ âm đạo gọi là khí hư, còn gọi là huyết trắng bệnh lý.
Viêm âm hộ - âm đạo:
Viêm âm hộ - âm đạo do Trichomonas Vaginalis: loại này chiếm 20% số viêm
âm đạo, âm đạo đỏ rực với chấm đỏ giống như quả dây tây, đôi khi sung
huyết, khí hư có màu xanh nhạt, loãng, có bọt, với số lượng nhiều, kèm
theo triệu chứng ngứa rát âm hộ, có khoảng 10% người bệnh không có triệu
chứng.
Điều trị: Fasigyl (Tinidazole) uống 2g (4viên) liều duy nhất, với trẻ em
dùng liều 50 - 70mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Hoặc Flagentyl
(Secnidazole) uống 2g (4viên) liều duy nhất.
Viêm âm hộ - âm đạo do nấm Candida: đây là bệnh phụ khoa thường
gặp, ngoài lây truyền qua đường tình dục bệnh còn lây qua nước, quần áo…
bệnh do loại vi nấm hạt men gây nên, có tên khoa học là Candida
Albican. Nấm dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt và pH âm đạo < 5.
Đặc trưng là huyết trắng sánh đặc, màu trắng lợn cợn, đóng thành mảng,
gây ngứa, rát nhiều, giao hợp đau, âm hộ viêm đỏ, nề, âm đạo viêm đỏ, ứ
đọng huyết trắng, pH âm đạo < 4,5.
Điều trị: đặt âm đạo bằng thuốc Miconazole hay Clotrimazole viên 100mg,
đặt từ 3 - 7 đêm. Uống Fluconazole 150mg, một liều duy nhất (1 viên).
Huyết trắng do tạp trùng: thường liên quan đến Gardnerella
vaginalis, vi khuẩn yếm khí, Mycoplasma… Huyết trắng có màu vàng hoặc
xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi.
Điều trị: metronidazol 500mg uống 2 lần/ngày, uống trong 7 ngày. Hoặc uống Metronidazole 2g liều duy nhất.
Viêm cổ tử cung:
Viêm ctc do lậu cầu: người ta thấy rằng lậu ở nữ có 97% không có triệu
chứng, có khoảng 3% là bệnh nhân có tiểu buốt, tiểu gắt, khí hư vàng rất
hay gặp. Trường hợp này chẩn đoán qua xét nghiệm vi khuẩn.
Viêm CTC do chlamydia trachomatic, qua nghiên cứu người ta thấy rằng có
khoảng 20 - 25% người bệnh không có triệu chứng, có 30 - 60% trường hợp
khí hư giống như mủ, ra máu 30% trường hợp, tiểu khó là 20 - 60% số
trường hợp.
Viêm CTC cấp tính: thường gặp thời kỳ sau sinh,
sau sảy thai, rách CTC làm niêm mạc cổ trong bị lộn vào âm đạo và bị
nhiễm khuẩn. Hình thái nhiễm khuẩn này của CTC gây ra viêm bạch mạch ở
nền dây chằng rộng. Biểu hiện khí hư như chất nhày, có mủ, CTC sung
huyết phù nề.
Viêm CTC mạn tính: tình trạng viêm CTC bị kéo dài, chất nhày CTC
đặc sánh có mủ, không ngứa, giao hợp không đau, nhưng đôi khi bị ra máu
khi giao hợp.
Viêm niêm mạc CTC: thường tiếp theo của viêm CTC hay gặp sau sảy
thai, sau sinh hay sau khi can thiệp vào buồng tử cung như đặt hay tháo
vòng tránh thai. Biểu hiện người bệnh sốt 38 - 390, đau vùng hạ vị…
Huyết trắng thể hiện được tình trạng nội tiết và sức khỏe của người phụ
nữ. Huyết trắng không những giữ cho âm đạo luôn có độ ẩm nhất định mà
còn có tác dụng chống vi khuẩn của bệnh tật xâm nhập vào. Nếu thấy huyết
trắng với thay đổi như có mùi hôi với màu sắc, số lượng bất thường cần
được kiêm tra và điều trị kịp thời.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét