Một tòa án ở Australia đã yêu cầu hãng Reckitt Benckiser ngừng bán một số nhãn hiệu thuốc giảm đau Nurofen thông dụng của hãng này sau khi phát hiện những viên thuốc dùng để điều trị những chứng đau đặc hiệu khác nhau như đau lưng hay đau nửa đầu lại chứa đúng cùng một hoạt chất.
Phán quyết của Tòa án liên bang Australia cho rằng hãng dược phẩm đa quốc gia có trụ sở tại Anh này đã gian dối khi bán các thuốc giảm đau Nurofen Back Pain (trị đau lưng), Nurofen Period Pain (trị đau bụng kinh), Nurofen Migraine Pain (trị đau nửa đầu) và Nurofen Pain Headache (trị đau đầu do căng thẳng).
Mặc dù là cùng một sản phẩm, nhưng các thuốc đặc trị đau lưng, đau bụng kinh, đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng lại được bán khác nhau trên thị trường.
Tuy những thuốc này được tiếp thị là phối thức đặc trị một loại đau cụ thể, và giá tiền cao gấp đôi giá của Nurofen thông thường, song các thuốc thuộc dòng Nurofen đặc trị này bị phát hiện là có chứa cùng một hoạt chất - 342mg ibuprofen lysine, tương đương với 200mg ibuprofen. Tòa án đã ra lệnh thu hồi các sản phẩm khỏi các cửa hàng trong vòng 3 tháng.
Một phiên điều trần tiếp theo sẽ quyết định khoản tiền phạt mà hãng này có thể phải chịu.
Phán quyết được đưa ra sau khiếu nại của Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC), trong đó lập luận rằng mặc dù tất cả những thuốc này đều chứa cùng một hoạt chất gốc, song chúng được định giá "cao hơn đáng kể so với các sản phẩm thuốc giảm đau tương tự khác”
Chủ tịch ACCC, Rod Sims, cho biết các cơ quan giám sát lo ngại người dân có thể mua các sản phẩm "với niềm tin rằng chúng đặc trị một loại đau cụ thể, dựa trên thông tin trên bao bì, trong khi thực tế không phải như vậy".
Sims cho biết việc lấy mẫu giá của ACCC trước khi bắt đầu vụ kiện ở tòa án đã phát hiện các sản phẩm thuộc dòng Nurofen đặc trị đau được bán với giá cao gần gấp đôi so với ibuprofen chuẩn của Nurofen.
Thương hiệu Nurofen cũng được sử dụng ở Anh và New Zealand.
Trong khi nhiều sản phẩm Nurofen đặc trị đau được bán ở Anh, và tất cả đều chứa 342mg ibuprofen lysine, song Cơ quan Quản lý Thuốc và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA- đơn vị không quản lý về giá thuốc, và thường chỉ can thiệp khi tên hoặc mô tả của sản phẩm đưa ra thông tin sai về mặt y học) cho biết hiện không lo ngại về vấn đề này.
Theo phát ngôn viên của MHRA: "Đối với các thuốc không kê đơn, được phép có tên mang tính thông tin để giúp bệnh nhân chọn một sản phẩm phù hợp mà không cần hỏi ý kiến thầy thuốc."
Còn Aomesh Bhatt, giám đốc Reckitt Benckiser tại châu Âu, cho biết công ty không đánh lừa người tiêu dùng và đang hợp tác với ACCC và tòa án liên bang.
Phát biểu trên kênh BBC Radio 4’s World at One, ông Bhatt giải thích lý do công ty xây dựng thương hiệu cho cùng một thành phần dưới nhiều tên khác nhau: "Người tiêu dùng muốn có định hướng trong môi trường có nhiều mặt hàng, nơi không có nhân viên có chuyên môn để hỗ trợ việc ra quyết định. Chúng ta biết rằng 90% người tiêu dùng tìm một sản phẩm cụ thể cho tình trạng đau riêng của mình."
Công ty đã được yêu cầu công bố các bài báo trên trang web và báo giấy để làm rõ tình trạng của mình, thực hiện chương trình tuân thủ bảo vệ người tiêu dùng và thanh toán chi phí của ACCC.
Trang web của công ty tại Australia đã thay đổi.
Một đoạn mô tả bốn loại thuốc đã được kết nối với trang mô tả chúng là "điều trị đau chung" và nói rằng : "Bất cứ sản phẩm nào trong bốn sản phẩm hiển thị trên trang này đều có cùng thành phần và có thể dùng để giảm tạm thời có hiệu quả đau và/hoặc viêm liên quan với đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng, đau lưng hay đau bụng kinh."
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét