Theo PGS .TS Phạm Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam), tập thể dục đúng cách là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Nhưng những người tập gym, chạy bộ, erobic… quá sức, đổ mồ hôi nhiều đến mức đồ tập “vắt” ra nước sẽ gây hại cho tim mạch.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh tim đã cướp đi cuộc sống của 17,5 triệu người mỗi năm và dự báo tăng lên 23 triệu người vào năm 2030. Nguyên nhân gia tăng bệnh lý tim mạch là do ảnh hưởng của lối sống, ăn uống nhiều, hút thuốc, uống rượu và lười vận động.
Tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng tim mạch lại hoàn toàn có thể phòng ngừa. “Vận động là một trong những biện pháp thể lực giúp giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch. Vì vận động giảm mỡ máu, giảm dung nạp đường huyết, tăng sức chịu đựng của cơ tim…”, TS Hùng nói.
Tuy nhiên, vận động thế nào cho đúng, để tốt cho tim mạch còn là vấn đề bàn cãi. Bởi vận động nhiều quá, quá sức lại là yếu tố gây hại cho tim mạch.
TS Hùng cho biết, tại hội nghị tim mạch lớn nhất ở châu Âu mới đây, các nhà khoa học cũng đưa ra bằng chứng cho rằng những người vận động quá mức, như chạy marathon, vận động viên có nguy cơ đột tử cao hơn những người vận động bình thường.
Vì thế, các chuyên gia tim mạch đưa ra thông điệp “Tập thể dục tim phổi” - dựa trên khả năng của mỗi người. Theo đó, tập thể dục để tốt nhất cho tim mạch là vận động ở cường độ vừa đến mạnh chứ không quá mạnh. Lúc này, cơ thể vừa đủ sức chịu đựng, hơi vã mồ hôi nhẹ là vận động tốt nhất cho tim phổi. Còn tập đến mức mồ hôi vã ra ròng ròng, đồ tập “vắt” ra nước lại vô tình tăng gánh nặng cho tim mạch.
Các chuyên gia tim mạch trên thế giới cũng khuyến cáo thời gian vận động là nên vận động hàng ngày từ 30 - 60 phút. Phương pháp đi bộ nhanh, hoặc bơi, tập erobic (với cường độ vừa phải), hay tập yoga là những biện pháp được khuyến khích tốt nhất cho tim mạch.
“Đặc biệt, đi bộ nhanh là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất cho tim mạch. Nhưng nhớ đừng đi bộ “nhàn nhã” như đi dạo với một người bạn vì nó sẽ mang hiệu quả thấp. Tập luyện phải đạt cường độ vừa đến mạnh như nói ở trên thì mới tốt cho tim mạch. Còn đi bộ “nhàn nhã” chỉ mang tính thư giãn”, TS Hùng nói.
Theo đó, hãy đi bộ nhanh, khi bạn thấy rất khó để theo kịp một cuộc trò chuyện ổn định là tốc độ thích hợp. Khi đi bộ, từ bắp chân, mông đến toàn bộ cơ thể đều được vận động, sẽ rất lợi cho hệ tim mạch.
TS Hùng cũng khuyến cáo, bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ở bất cứ ai và ngày càng trẻ hóa. Vì thế, hãy duy trì một thói quen sinh hoạt lành mạnh bằng cách hạn chế hút thuốc, không ăn nhiều đồ mỡ, ăn nhiều rau xanh, trái cây, đi khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Đặc biệt hãy duy trì chế độ vận động mỗi ngày như khuyến cáo trên sẽ giúp phòng bệnh tim mạch một cách hữu hiệu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét